Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Nội dịch vụ kém

Thiếu tá, như đã hứa ở blog của con nào trên mul này là sẽ viết một tham luộn về dịch vụ của (Hà) nội kém, để giải thích theo hướng khác, đào sâu hơn cái suy nghĩ đua ngoa chanh chua mà lười nghĩ của bạn Hoàng lê- một trong những người viết tản văn mà Thiếu tá thích đọc. Nó đây: 

Người ở nội lâu ngày không nhận ra, vì  ở đâu cũng “ như nhau cả”, nhưng khi đã bước chân ra ngoài, đặc biệt là vượt qua vĩ tuyến 17 vào B thì lập tức quay lại chửi nội : “dịch vụ kém”, mười mồm như một, bất kể mồm toàn răng sâu hay móm hay còn nguyên sáng bóng. Tại sao vậy?

Có một vài ý nghĩa ở câu chê : “Nội dịch vụ kém”, là hàng hóa kém chất lượng, là thái độ phục vụ kém, là chế độ hậu mãi tệ… nhưng chung quy đều không mang lại sự hài lòng cho các thượng đế. Các thượng đế cần được nâng niu, chiều chuộng. Thế nhưng ở đây, xứ nôi, các thượng đế cứ như là ăn xin: Nhẹ thì tính tiền cắt cổ, bạn cự lại thì lên gân lên cơ rồi hỏi: “Thế ý chú thế nào?”, nặng thì“đi ngay”, “biến” “xéo”…, đến nỗi phở chửi, cơm chửi, cháo chửi…thành đặc sản.

Đừng quên khái niệm Thương đế là một khái niệm thần học. Thượng đế là đấng cao cả, có quyền điều khiển mọi việc trong vũ trụ trong đó có cả hành vi và số phận của con người. Ví khách hàng với Thượng đế là đề cao quyền quyết định của khách hàng.
 Nhưng nếu Thượng đế thật có quyền điều khiển vũ trụ vì ngày là siêu nhiên thì các thượng đế trần gian chỉ có duy nhất trong tay thế lực của đồng tiền. Đồng tiền có thể sai khiến mọi con người trong mọi xứ nhưng trừ nội. Bởi vì ở đây đã có thời là Thiên đàng, nơi mọi người có quyền như nhau, không ai được quyền sai khiến người khác, cái thời Thiên đàng ấy, khi mà các nông dân chân đất mắt toét kéo địa chủ như kéo chó ra giữa sân đình, ở quê. Và các công nhân là tương lai của nhân loại chửi thằng nhà buôn lắm của như hát hay, cái thời ấy ai cũng là Thượng đế, cũng như Thượng đế đã chết.
Thời Thiên đàng bây giờ đã chết, nhưng cũng giống như dân nhà Thanh không thèm thờ vua Nguyên bên tàu, như dân việt kiều hải ngoại không xem chính quyền hiện tại là chính đáng. Dân nội, vẫn đối xử và chấp nhận được đối xử, như đang sống trong thời Thiên đàng. Văn hóa cũng có quán tính của nó, đó là thói quen.
Trong đời, nếu bạn không có quan hệ thân thiết để mà bắt người khác phục vụ thì bạn chỉ có hai thứ khiến người khác phụ vụ mình: là  tiền và quyền. 


Nghe thảng qua thì có vẻ dân nội không cần tiền và cũng chẳng sợ quyền. Bạn có tiền vào cũng phải nghển cổ lên mà đợi và có khi bị chửi xéo vì đòi nọ đòi kia. Việc chỉ có lọ mắm cái tăm mà bạn có nguy cơ thành kẻ phá của: “rách việc”. Bạn có quyền thì càng tệ  hơn, hàng cơm hàng phở sợ nhân viên cục thực phẩm chứ sợ gì thứ trưởng bộ thông tin?  Thứ trưởng bộ thông tin không có thẻ công an đeo trên ngực nên càng yếu thế hơn, không lẽ bạn chường huân huy chương cùng quyết định bổ nhiệm có chữ ký của thủ tướng? Vậy là vẫn phải ăn cháo đuổi mà quên mình là thượng đế, bực bội ngồi gặm thìa chờ nhân viên bưng bê mà quên mình vẫn được phục vụ như vua khi ra nước ngoài, và ngán ngẩm vì danh làm thứ trưởng mà không bằng thằng công an khu vực.



Nhưng bảo rằng các công dân nội còn mơ màng quyền bình đẳng giữa thượng đế và kẻ phục vụ mà tạo nên một thứ : “Dịch vụ  kém” thì có đúng mà chưa đủ. Họ, tuy có mơ màng ngủ mộng thì vẫn phải phục vụ bạn cơ mà. Thế thì tại sao, bạn lại phải ngán ngẩm lắc đầu và gục mặt chấp nhận. Cũng vì một phần, nếu không nói một phần lớn là tại bạn.


Ồ, ngạc nhiên thật. Nhưng đúng đấy. Dân nội có thói quen coi những người phục vụ là thấp kém. Thì đúng là vậy rồi còn gì. Lương của họ chỉ đủ cho bạn uống vào nôn ra hai  ba bữa, còn tiền thưởng tết của họ thì không bằng nửa chai rượu ngoại màu nâu nâu vàng vàng mà bạn biếu sếp tết đến cũng chỉ để ông ta và các chiến hữu uống vào nôn ra một bữa. Vị trí của họ là ở đâu trên tháp giai tầng xã hội mà bạn đã học qua, nếu không phải dưới cùng thì cũng là dưới bạn, họ ăn mặc như con ở nhà bạn, ít nhất là trước khi con ở được huấn luyện cho quen thói thị thành và mặc váy khi lau nhà trước mặt bạn. Thế thì trong thâm tâm bạn đã coi họ là thấp kém, là người sinh ra để phục vụ, và bạn thì là người cho họ cuộc sống.

Vậy là họ đối xử với bạn, khi bạn cần họ, như là một sự trả thù cho thói "phân biệt giai cấp" và khinh khi người nghèo. Ai chả muốn có quyền ảnh hưởng tới người khác, và tận dụng ngay khi có cơ hội, điều này ở nội còn sát sạt hơn, ở đâu cứ có hai người là có một người khoa gươm “chém gió”, “nổ”…


Ở cửa hàng của họ cũng thế, bạn là nạn nhân của một quan niệm xã hội, coi người phục vụ là nô tì. Nếu bạn nhìn xa hơn, qua ví tuyến 17, thì bạn sẽ thấy ngược lại, người phục vụ không gắn mình với các thượng đế bằng bất cứ quan hệ gì ngoài quan hệ tiền – hàng. Họ, sau khi bưng bê cho bạn, sẽ mặc một cái áo khác và sẵn sàng bước vào quán nhậu hoặc vũ trường để ăn chơi nhảy múa như bạn. Phải chăng, khi gắn mình với người phục vụ nên bạn không thể tách bạch được giữa xin cho và phục vụ. Đây là ví dụ:



Khi bước vào cửa hàng ở nội , bạn sẽ lễ phép:  “Cho anh/ chị xin thêm tí nước mắm”, “Cho xin hai đĩa lòng”… Ơ hay nhỉ, thượng đế mà phải hạ mình xin xỏ vậy sao. Trách gì thân phận bạn bị biến thành kẻ ăn xin. Danh đã chính và ngôn đã thuận chưa, các “thượng đế (cố ý) đóng giả ăn mày?”.


Còn các “nô tì” bị đốc thúc bởi sự tự ti bị xã hội coi như mạt rệp, 
được kích thích bởi những tiếng xin xỏ tự nhiên của “thượng đế”, trong lúc vẫn mơ màng về thời Thiên đàng, sẽ lại thản nhiên sản xuất ra một thứ mà bạn sẽ ngán ngẩm lắc đầu khi trải nghiệm: “Dịch vụ kém” . 


Thiếu tá chú thích thêm đôi dòng cho những đứa không quen đọc Thiếu tá.

- Nội - Hà nội, Thiếu tá thích gọi vậy, cho gọn, cũng giống như Thiếu tá gọi gòn thì phải hiểu là Sài gòn.
- Thiên đàng: nội những năm 80-90
- Vĩ tuyến 17, ở đâu đấy giữa hình còn giun, thiếu tá biết đéo rõ đâu.
- Phân biệt giai cấp: Một trong những tội lớn của cá nhân thời Thiên đàng, nó thú vị và đặc thù tới mức Thiếu tá phải đưa vào ngoặc kép.
- Tháp giai tầng  xã hội: Sản phẩm đối chiếu của lý tưởng thời Thiên đàng.

Thiếu tá viết tham luộn này với văn phong bình dân cho những đứa thích trích dẫn, có khác văn phong của Thiếu tá và bè lũ thường dùng, nhưng không sao, coi như Thiếu tá đổi món. Đéo nhất thiết Thiếu tá sẽ thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét